Cây hẹ là loại nguyên liệu quen thuộc, thường được nấu để gia tăng hương vị cho món ăn. Đây là loại cây giàu dược tính và có mùi thơm rất đặc trưng. Mọi người thường sử dụng với mục đích trang trí hoặc làm thức ăn ngon hơn. Có thể nhiều người vẫn chưa biết hết các công dụng của loại rau nhỏ bé này. Cây hẹ cũng được sử dụng làm nguyên liệu trong các bài thuốc chữa bệnh đấy. Cây hẹ rất dễ trồng và không cần phải tốn nhiều thời gian để chăm sóc. Cùng tìm hiểu về công dụng của loài cây này nhé.
Mục Lục
Công dụng của cây hẹ

Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Việt Nam, cho biết cây hẹ còn có tên là cửu thái, nén tàu, hom xe lép (Thái), phắc kép (Tày). Hẹ tên khoa học là Allium odorum, thuộc họ Hành Liliaceae. Cây trồng lấy lá làm rau ăn và làm gia vị. Hoa cũng ăn được. Lá, thân và hạt đều dùng chữa bệnh. Trong 86 g hẹ chứa 1,9 g protid, 5,1g glucid và 25 calo.
Trong Đông y, hẹ vị cay, hơi chua, hạt ngọt, tính ấm, giúp thông khí ở phổi, hạ khí đầy ở bụng, điều hòa tạng phủ, khỏi đau bụng do lạnh. Lá hẹ để sống có tính nhiệt, nấu chín thì ôn, vị cay; vào các kinh Can, Vị và Thận. Có tác dụng ôn trung, tán ứ, hành khí và giải độc. Thường giúp giảm ngực đau tức, nấc, ngã chấn thương,…
Ăn hẹ bổ thận, mạnh dương, ấm khỏe lưng gối. Hẹ có thể xào nấu với giấm, muối, ăn vào sáng sớm, lúc đói chữa chứng ợ hơi. Hạt hẹ có tính ấm, vị cay ngọt; vào các kinh Can và Thận. Hạt hẹ chữa tiểu tiện nhiều lần, di mộng tinh, són tiểu. Gốc rễ hẹ có tính ấm, vị cay, có tác dụng ôn trung, tán ứ, hành khí, thường dùng chữa ngực bụng đau tức do thực tích, đới hạ, các chứng ngứa,…
Các bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ hẹ

Người bị cảm do lạnh, dùng một nắm lá hẹ, thái nhỏ chưng với đường phèn để ăn. Để trị tiêu chảy và lạnh bụng, lấy một nắm lá hẹ, nửa nắm hành trắng, một nắm gạo nấu với hai chén nước. Sau đó cho một ít vỏ quýt, hạt tiêu, gừng và muối, ăn lúc đói. Sử dụng lá hẹ sắc uống trị cơn suyễn nguy cấp.
Giã 100 g cây hẹ, chắt lấy nước cốt hòa Đồng tiện (nước tiểu của trẻ nhỏ) uống chữa phụ nữ đến kỳ kinh mà không hành kinh, khí nghịch hoặc bị thương ứ máu, tiểu ra máu, chảy máu cam. Người lên cơn co giật, nôn ra nước xanh sau đẻ, giã nhuyễn lá hẹ, vắt lấy nước cốt hòa với nước cốt gừng uống mỗi ngày. Hoặc, giã nhuyễn hẹ, vắt lấy nước cốt uống chữa bụng dưới đau nhói hoặc ngộ độc thực phẩm.
Hẹ còn có thể chữa viêm tiền liệt tuyến ở nam giới và bạch đới ở phụ nữ. Ngoài ra, hẹ có tác dụng trị tinh yếu do hư lao. Bài thuốc gồm 16 g hạt hẹ, 24 g phúc bồn tử, 6 g xà sàng tử, 24 g thỏ tỵ tử, 6 g phá cố tử, 16 g kim anh tử, 16 g thạch liên tử, 24 g cây kỷ tử, 6 g ngũ vị tử 6 g, 24 g dâm dương hoắc, 48 g hoài sơn, 48 g thục địa. Sắc một thang mỗi ngày, chia 3 lần, uống liên tục 5 ngày, nghỉ 3 ngày, sau đó uống như vậy hai liệu trình nữa.
Discussion about this post